HTML là gì? Ngôn ngữ nào thay thế cho HTML?
Ý nghĩa cái tên HTML
HTML (HyperText Markup Language) dịch là Ngôn ngữ Đánh dấu Siêu văn bản. Tôi đoán chắc rằng bạn vẫn chưa hiểu HTML là gì đâu, hãy phân tích thành phần của cái tên này nha.
HyperText là gì? Theo định nghĩa của tổ chức W3C, HyperText (Siêu văn bản) là loại văn bản có liên kết tới những văn bản khác. Thí dụ chúng ta mở Notepad ra gõ gõ cái gì đó, nội dung ấy gọi là văn bản (text), nhưng nó không có liên kết tới cái gì hết. Rồi bây giờ chúng ta thử vào một trang web bất kỳ, trên đó cũng có text để chúng ta đọc nội dung, đồng thời còn có những dòng text đặc biệt (gọi là cái link) cho phép chúng ta nhấp chuột vào và mở ra một trang web khác. Đó chính là “siêu văn bản”. Nói một cách dễ hiểu: nó là mã nguồn của trang web.
Markup Language là gì? Ngôn ngữ đánh dấu dùng để mô tả ý nghĩa của dữ liệu, ví dụ một người gửi cho bạn một tập tin (file) có nội dung như sau:
Nguyễn Âu Cơ, 8, 10, 9 Trần Long Quân, 10, 8, 9 Trương Thị Mị Nương, 7, 6, 7
Dĩ nhiên là bạn chả hiểu đây là dữ liệu cho cái gì, bạn bèn gọi cho người kia và bảo họ mô tả ý nghĩa của từng số liệu. Đây là nội dung file sau khi bổ sung ý nghĩa:
<DanhSach> <HocSinh> <HoTen>Nguyễn Âu Cơ</HoTen> <DiemToan>8</DiemToan> <DiemVan>10</DiemVan> <DiemAnh>9</DiemAnh> </HocSinh> <HocSinh> <HoTen>Trần Long Quân</HoTen> <DiemToan>10</DiemToan> <DiemVan>8</DiemVan> <DiemAnh>9</DiemAnh> </HocSinh> <HocSinh> <HoTen>Trương Thị Mị Nương</HoTen> <DiemToan>7</DiemToan> <DiemVan>6</DiemVan> <DiemAnh>7</DiemAnh> </HocSinh> </DanhSach>
Nhìn qua là biết ngay đây là bảng điểm của học sinh phải không nào! Đây chính là cái mà chúng ta gọi là Ngôn ngữ đánh dấu, tên chuyên ngành của nó là EXtensible Markup Language (XML) — Ngôn ngữ đánh dấu mở rộng được. Bởi vì nó có thể mở rộng được, nên người ta đã dựa trên ngôn ngữ XML để tạo ra những ngôn ngữ khác phục vụ cho những lĩnh vực cụ thể. Hai “đứa con” của XML mà các bạn sẽ rất thân thiết khi học lập trình web là HTML và JSX.
Bây giờ hãy gom tất cả manh mối lại để giải thích HTML là gì:
HTML là ngôn ngữ dùng để miêu tả cho trình duyệt web biết nó phải làm gì với mã nguồn trang web mà nó nhận được.
Trong ví dụ dưới đây, trình duyệt sẽ đọc đoạn mã HTML bên trái và hiển thị ra kết quả như ở bên phải.
Ngoài HTML còn phải học ngôn ngữ nào khác nữa không?
Tính tới thời điểm viết bài này, HTML là ngôn ngữ duy nhất dùng để bố cục trang web trên trình duyệt, hãy hình dung nó giống như bộ khung xương của con người. Ngôn ngữ CSS dùng để phụ trợ cho HTML trong việc tô điểm trang web, chứ nó không hoạt động độc lập được. Cuối cùng, ngôn ngữ JavaScript dùng để lập trình hành vi trên trang web, nếu trang web trống trơn (không có HTML) thì cũng vô nghĩa. Do đó bắt buộc phải học bộ 3 ngôn ngữ này để lập trình web Front-end, bắt đầu từ HTML.
Nếu bạn có nghe qua những ngôn ngữ như Pug, HAML v.v. dùng cho lập trình web thì xin thưa đó chỉ là những ngôn ngữ được tạo ra để mang lại sự thuận tiện cho lập trình viên trong quá trình làm việc mà thôi. Cuối cùng những mã nguồn ấy đều phải qua một bước chuyển về HTML (thuật ngữ gọi là transpile) thì trình duyệt mới hiểu được. Cho nên xin khẳng định rằng cho tới thời điểm này, không có ngôn ngữ nào có thể thay thế được HTML, CSS và JavaScript trong lập trình web Front-end.
Tin vui là HTML cực kỳ dễ học, nếu không tin hãy thử bài học đầu tiên xem nào: Cú pháp của HTML và các thành phần trên trang web.
Facebook Comments